Cử tri Hà Nội đề nghị chế tài xử lý người tố cáo sai sự thật

10/09/2022 08:58
Cử tri Hà Nội đề nghị xem xét, quy định cụ thể các chế tài xử lý đối với người tố cáo sai sự thật, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh việc lợi dụng quyền tố cáo để gây rối.

 

Thanh tra Chính phủ cho biết, cử tri TP Hà Nội mới đây đã đề nghị xem xét, quy định cụ thể các chế tài để xử lý đối với người tố cáo sai sự thật, góp phần đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, tránh việc lợi dụng quyền tố cáo để gây rối an ninh, trật tự công cộng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, đặc biệt là của cán bộ, đảng viên.

Cử tri đề nghị xem xét đưa việc người tố cáo không cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, đồng thời quy định đây là một trong những điều kiện không thụ lý giải quyết tố cáo.

Trong văn bản vừa ký trả lời cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho rằng, Điều 65 Luật Tố cáo và Điều 23 Nghị định số 31/2019 đã quy định về việc xử lý đối với người tố cáo nói chung và người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm khi thực hiện quyền tố cáo.

Theo đó, qua quá trình xác minh, giải quyết mà có đủ cơ sở để kết luận người tố cáo biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn cố tình tố cáo, tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật thì người giải quyết tố cáo xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật. Nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Cử tri Hà Nội đề nghị chế tài xử lý người tố cáo sai sự thật

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong (Ảnh: Quốc hội).

"Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì chuyển cho cơ quan điều tra để xử lý hình sự về tội vu khống theo quy định của Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015"- Tổng Thanh tra Chính phủ cho hay.

Về việc người tố cáo không cung cấp thông tin, tài liệu, ông Đoàn Hồng Phong cho biết quy định của pháp luật nêu rõ mọi thông tin tố cáo đều phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận và xem xét điều kiện thụ lý, giải quyết.

Trường hợp có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 29 Luật Tố cáo thì người giải quyết tố cáo ra quyết định thụ lý tố cáo. Thông qua việc xác minh các nội dung tố cáo, người giải quyết tố cáo kết luận về tính đúng, sai của nội dung tố cáo để có biện pháp xử lý theo thẩm quyền với những người có hành vi vi phạm.

Chế tài xử lý cán bộ chây ì, trốn tránhtrả lại tiền tham nhũng

Cử tri Đà Nẵng phản ánh thời gian vừa qua việc thực thi pháp luật nói chung đạt được nhiều kết quả nhưng cũng còn nhiều hạn chế. Đặc biệt tình trạng tham nhũng, tiêu cực còn tồn tại, diễn ra phổ biến và gây thiệt hại rất lớn, trong khi đó việc thu hồi tài sản tham nhũng, tiêu cực còn quá ít. Do đó, cử tri đề nghị cần điều chỉnh các luật có liên quan, khắc phục các lỗ hổng.

Trả lời cử tri, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong khẳng định sẽ tiếp thu ý kiến này để tổng hợp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện luật và tổng kết thực tiễn; nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung sẽ đề xuất Chính phủ, Quốc hội xem xét.

Quá trình sửa đổi sẽ cân nhắc xem xét, bổ sung chế tài xử lý các trường hợp chây ỳ, trốn tránh trong việc trả lại tiền tham nhũng, đồng thời công khai số liệu định kỳ về thu hồi tài sản tham nhũng để Nhân dân được biết.

Cử tri Hà Nội đề nghị chế tài xử lý người tố cáo sai sự thật

(Ảnh minh họa).

Theo Thanh tra Chính phủ, Chương IX Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định về xử lý tham nhũng và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng. Trong đó, người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác và quy định đối với người có hành vi vi phạm là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thì áp dụng tăng nặng trách nhiệm kỷ luật.

Để thực hiện tốt tinh thần đó, luật đã quy định cụ thể về xử lý tài sản tham nhũng, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về phòng chống tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Mặc dù kết quả thu hồi tài tham nhũng năm sau cao hơn năm trước, song Tổng Thanh tra Chính phủ khẳng định việc thu hồi tài sản do tham nhũng vẫn là một trong những hạn chế trong công tác phòng chống tham nhũng của nước ta hiện nay.

Nguyên nhân chủ yếu là do số tiền thu hồi rất lớn nhưng người phải thi hành án không có tài sản hoặc tài sản bảo đảm giá trị thấp; thời gian giải quyết các vụ án, vụ việc dài, tài sản đã bị tẩu tán, che giấu hoặc tình trạng pháp lý của tài sản chưa rõ ràng.

Bên cạnh đó là vướng mắc về cơ chế, thể chế trong việc xử lý tài sản làm ảnh hưởng đến quá trình thi hành án. Trong một số vụ án vẫn xảy ra tình trạng đối tượng bỏ trốn, việc tương trợ tư pháp hình sự còn gặp nhiều khó khăn…

Theo dantri.com.vn

Cử tri Hà Nội đề nghị chế tài xử lý người tố cáo sai sự thật - Kiến Thức