Với sự phát triển của y học hiện đại, rất nhiều loại ung thư đã có thể được khống chế nếu phát hiện ở giai đoạn sớm, đồng thời có những loại ung thư đã có thể điều trị khỏi. Thế nhưng, quan niệm “ung thư là án tử” vẫn còn phổ biến, khiến người bệnh rơi vào tình trạng chán nản, buông xuôi hoặc tìm tới các phương pháp chữa bệnh không có cơ sở khiến bệnh càng thêm trầm trọng.
Bệnh nhân Lê Thị B. được điều trị thành công ung thư tại Bệnh viện K. Ảnh: BVCC.
Bệnh nhân Lê Thị B. (53 tuổi, ở An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng) phát hiện u vú trái từ giữa năm 2022, nhưng vì tâm lý lo lắng, sợ làm phiền người thân, sợ đi bệnh viện mà bệnh nhân lựa chọn tự điều trị thuốc nam tại nhà với hy vọng có thể chữa được bệnh.
Thế nhưng, khối u của bệnh nhân ngày càng tăng kích thước và dọa vỡ bất cứ lúc nào, kèm theo cảm giác đau nhức liên tục, khiến người bệnh mệt mỏi, yếu đi nhanh chóng, đến khi không thể chịu nổi mới đồng ý đến bệnh viện điều trị.
Tại Bệnh viện K, bệnh nhân B. được chẩn đoán bệnh đã ở giai đoạn IV, khối u được tiên lượng sẽ ngày càng lớn, nguy cơ vỡ cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có nguy cơ tử vong. May mắn, sau điều trị tại bệnh viện, trái ngược hoàn toàn với những cảm xúc tiêu cực của bệnh nhân khi mới phát hiện bệnh, đến nay, khối u gần như đã tiêu biến hoàn toàn.
BS Đặng Tiến Giang - Phó Trưởng khoa Nội 6 (Bệnh viện K) cho biết: “Bệnh nhân Lê Thị B. có đáp ứng khá tốt, tác dụng phụ được gia đình phối hợp quản lý chặt, khối u hoại tử và tiêu nhỏ đi nhanh chóng. Khối u gần như tiêu biến hoàn toàn, không còn bị những cơn đau dày vò. Mặc dù hành trình điều trị vẫn còn ở phía trước và người bệnh cần được theo dõi điều trị lâu dài, tuy nhiên đây là kết quả rất tích cực”.
Theo BS Phùng Thị Huyền - Phó trưởng Tiểu ban điều trị ung thư vú - phụ khoa, Trưởng khoa Nội 6 (Bệnh viện K), không ít bệnh nhân khi mắc ung thư thường có nhiều cảm xúc tiêu cực. Phần lớn họ cảm thấy hoài nghi, lo lắng, sợ hãi đau buồn hoặc phiền muộn, giận dữ và trầm cảm. Không ít bệnh nhân còn nghĩ ung thư là “bản án tử hình... Nhiều người bệnh sợ làm phiền người thân, gia đình, tâm lý muốn giấu bệnh. Những cảm xúc và phản ứng này không tốt cho sức khỏe, có thể là lý do trì hoãn việc điều trị, khiến người bệnh đến với thầy thuốc ở thời điểm muộn. Do đó, gia đình, bạn bè và nhân viên y tế đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ bệnh nhân đối mặt với ung thư.
BS Huyền nhấn mạnh, liệu pháp điều trị ung thư luôn phát triển không ngừng. Có rất nhiều người mắc ung thư đã chữa trị được, đặc biệt dễ dàng hơn khi phát hiện sớm. Ngay cả đối với trường hợp bệnh không điều trị được triệt căn thì điều trị giảm nhẹ có thể làm dịu các triệu chứng liên quan đến bệnh, cũng như khả năng duy trì chất lượng và kéo dài cuộc sống.
BS Võ Quốc Hoàn - Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Ung bướu Hà Nội khuyến cáo): Bệnh nhân ung thư cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn cặn kẽ về bệnh, giai đoạn bệnh, các biện pháp điều trị và tiên lượng bệnh. Những tiến bộ trong y học đều với mục đích phục vụ con người, người bệnh không nên bỏ lỡ những thành tựu của thời đại để giành lại cuộc sống của mình.
Theo BS Hoàn, điều quan trọng vẫn là tầm soát và điều trị kịp thời. Hiện nay, rất nhiều bệnh ung thư có thể phát hiện ở giai đoạn sớm, ngay cả khi bệnh nhân chưa có dấu hiệu bất thường trên cơ thể. Những đối tượng có nguy cơ cao nên thực hiện tầm soát ung thư theo hướng dẫn chi tiết của bác sĩ. Đối với những đối tượng đã xuất hiện triệu chứng bất thường, nên đi kiểm tra sức khỏe từ sớm.