Hàn QuốcTrong bộ phim ăn khách “The Glory” của Netflix, mẹ chồng của nữ chính phản diện Yeon-jin đã diện bộ đồ Gucci đỏ cho cháu gái vừa lọt lòng.
Dù đứa trẻ sẽ lớn nhanh và không thể mặc vừa bộ đồ chỉ trong vài tuần, bà vẫn mặc lên người đứa cháu những món đồ xa xỉ và khẳng định "Nó cần đứng ở xuất phát điểm khác biệt nếu muốn đi trước kẻ khác".
Người trẻ xếp hàng bên ngoài cửa hàng Chanel ở Seoul, Hàn Quốc, tháng 3/2022. ẢNH: Reuters
Đây không phải tình huống chỉ xuất hiện trên phim ảnh. Niềm tin rằng những gì chúng ta mặc lên người sẽ thể hiện quyền lực và địa vị đã thúc đẩy cơn "cuồng" hàng hiệu của người Hàn Quốc. Theo báo cáo của Morgan Stanley, năm 2022, chi tiêu hàng hóa xa xỉ trên đầu người tại đây ở mức 325 USD, cao nhất thế giới.
Các món hàng hiệu từng bị xem là độc quyền của tầng lớp trung niên giàu có nay dễ dàng bắt gặp trên người của giới trẻ, đặc biệt trong độ tuổi 20, bất kể thu nhập của họ là bao nhiêu. Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu giao dịch của hệ thống thanh toán di động L.Pay và điểm thành viên L.Point chỉ ra, từ năm 2018 đến 2021, tăng trưởng trong mua sắm đồ xa xỉ là cao nhất ở nhóm khách hàng này (70,1%), tiếp theo là nhóm tuổi 50 (62,8%) và nhóm tuổi 30 (54,8%).
Theo Korea Times, hiện nay, các cửa hàng đồ hiệu còn hướng tới đối tượng nhỏ hơn nữa.
Nhiều học sinh mẫu giáo đã đến cửa hàng thời trang trẻ em cao cấp tại Cheongdam-dong – nơi được xem như "Đồi Beverly của Seoul" để mặc thử chiếc áo khoác nổi tiếng của Burberry và Moncler. Giá của các bộ trang phục giao động từ 1 triệu đến 1,5 triệu won (18-27 triệu đồng).
Kang, 39 tuổi, mua cho con gái 7 tuổi chiếc áo khoác Burberry làm quà sinh nhật. Cô thừa nhận cơn cuồng đồ hiệu của người lớn đã truyền sang cho trẻ em. Con gái của của và bạn bè của bé hiểu rất rõ về các thương hiệu xa xỉ, có lẽ một phần vì nhiều ngôi sao Kpop làm đại sứ thương hiệu. Chúng thoải mái chia sẻ các sản phẩm đắt tiền trên mạng xã hội.
"Một số phụ huynh có thể nghĩ rằng mua quần áo xa xỉ cho trẻ là lãng phí, nhưng theo tôi, quần áo càng đắt càng chất lượng", bà mẹ bộc bạch.
Nhờ được khách hàng nhí yêu chuộng và các cha mẹ sẵn sàng mở hầu bao, doanh số thời trang thiết kế cho trẻ em đã tăng lên. Theo Hyundai Department Store, doanh số quần áo trẻ em cao cấp đang trên đà tăng với mức tăng từ 29,5% năm 2020 lên 45,5% năm 2021 và 35,4% năm 2022.
Sự phổ biến của các mặt hàng xa xỉ với trẻ em cũng thúc đẩy thị trường túi xách và quần áo "kiểu Chanel". Chẳng hạn, khi tìm kiếm "túi xách Chanel trẻ em" trên Naver – cổng thông tin lớn nhất Hàn Quốc, một danh sách các cửa hàng bán túi xách da hay tweed mô phỏng sản phẩm của Chanel sẽ hiện ra dài dằng dặc, phần lớn có giá từ 30.000 đến 50.000 won.
Nắm bắt xu hướng này, một số lớp học vẽ tại các trường mẫu giáo đã giới thiệu hoạt động DIY, hướng dẫn trẻ làm túi Chanel từ giấy. Ý tưởng tương tự cũng được chia sẻ trên nhiều diễn đàn trực tuyến dành cho giáo viên mầm non để thu hút trẻ tham gia hoạt động.
Một người dùng đã đăng bức ảnh túi Chanel giấy mà học sinh của mình làm để tặng cho cha mẹ vào Ngày phụ huynh, kèm chú thích "Cả trẻ và cha mẹ đều thích chiếc túi như thể chúng là hàng thật".
Trước sở thích của trẻ nhỏ dành cho hàng hóa xa xỉ, vài chuyên gia tỏ ra lo ngại về tác động của nó đến sức khỏe tinh thần. Giáo sư Park Myung Sook đến từ khoa Phúc lợi trẻ em của Đại học Sangji nhận xét: "Cái gọi là "văn hóa khoe mẽ" trên mạng xã hội, nơi mọi người khoe sự giầu có qua việc tiêu dùng phóng tay, đã dẫn đến cơn sốt hàng hiệu ở trẻ em hiện nay. Nếu trẻ ám ảnh với hàng hiệu do áp lực từ bạn bè, tự so sánh với người khác, chúng sẽ vô cùng căng thẳng".
Không chỉ có vậy, nó có thể sinh ra thói quen xấu là phán xét người khác thông qua ngoại hình hay đưa ra quyết định mua sắm bất hợp lý khi trưởng thành.
Huy Phương (Theo Korea Times)Trở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×