Thay đổi hormone và chế độ ăn uống không khoa học dẫn tới cân nặng tăng khó kiểm soát ở phụ nữ trung niên và việc giảm béo trở nên vô cùng khó khăn.
Tự ti vì thân hình khổng lồ
Chị N.T. T. (41 tuổi, trú tại Quy Nhơn) đến khám tại Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, vì béo phì. Chị T. nặng 100kg. Ngày trẻ, chị có vóc dáng gọn gàng. Sau khi sinh con, chị T. bắt đầu tăng cân và không kiểm soát được từ năm 35 tuổi.
Vì quá béo, chị T. đối diện với bệnh mỡ máu lẫn gout. Chị hay cáu gắt vì luôn cảm thấy mệt mỏi. Dù chị mới 41 tuổi nhưng thân hình và chỉ số sinh học như người ngoài 60 tuổi. Bề ngoài cơ thể nặng nề, bụng trướng to, nếp nhăn trên da mặt ngày càng nhiều.
Chị T. đã nhiều lần giảm cân bằng ăn kiêng, tập thể dục nhưng không hiệu quả, giảm được 5 - 7kg rồi lại tăng trở lại nhiều hơn. Khi tìm tới bác sĩ, nữ bệnh nhân mong muốn thu nhỏ dạ dày giảm béo.
Một bệnh nhân béo phì tới tư vấn giảm cân. Ảnh: BSCC.
Sau phẫu thuật một tháng, chị giảm 12kg, số đo ba vòng gọn gàng hơn. Chị T. cảm thấy cơ thể nhẹ nhàng dần. Đi đứng thuận lợi, chị cũng tự tin hơn trước.
PGS.TS.BS Nguyễn Anh Tuấn - Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật ống tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, tình trạng béo phì đang trở nên báo động hơn. Béo phì là "sát thủ thầm lặng". Theo báo cáo mới của Liên đoàn Béo phì Thế giới, hơn một nửa dân số thế giới sẽ bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2035 nếu không có các hành động cụ thể.
Phụ nữ sau tuổi 35 có khuynh hướng “phát tướng” bởi sự thay đổi nội tiết trong cơ thể, các vấn đề về hội chứng chuyển hóa, rối loạn đường, chất béo… Bên cạnh đó, họ thường gặp vấn đề rối loạn kinh nguyệt, lúc này lượng estrogen trong cơ thể cũng giảm đi khiến chất béo không phân giải được gây tích mỡ.
Việc tăng sinh mỡ không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của phụ nữ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý và chất lượng cuộc sống của họ.
Cần quản lý cân nặng từ sớm
Béo phì có tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm tuổi thọ, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ… làm giảm chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, người mắc bệnh béo phì có nguy cơ trầm cảm tăng 55% theo thời gian còn những người bị trầm cảm cũng tăng 58% nguy cơ béo phì.
Theo bác sĩ Tuấn, béo phì là một bệnh lý cần phải được quan tâm và điều trị để nâng cao chất lượng sống, hạn chế những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là vấn đề tâm lý - xã hội của người bệnh.
Bác sĩ Tuấn cho rằng, mỗi người cần thực hiện những biện pháp dự phòng, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì kiểm soát cân nặng lâu dài để thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh, nâng cao chất lượng sống.
Để tránh tăng cân ở tuổi trung niên, bác sĩ Tuấn khuyến cáo chế độ ăn uống khoa học, không ăn quá nhiều, thừa calo là nguyên nhân tích mỡ. Càng nhiều tuổi, con người càng cần ít calo hơn. Để duy trì vóc dáng, mỗi ngày chị em cần đào thải bớt 200 calo. Phụ nữ hiện đại ít có thời gian cho việc tập luyện. Khi đó, chị em giữ nguyên tắc giảm ăn để lượng calo hấp thụ ít hơn nhu cầu sử dụng, cơ thể huy động năng lượng từ mô mỡ, từ đó đạt được mục đích giảm cân.
Tuy nhiên, bác sĩ Tuấn cho biết người béo phì đến khám đều chọn những cách giảm cân cực đoan như nhịn ăn, bỏ tinh bột... gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe hơn. Hoặc, có bệnh nhân hút mỡ 3, 4 lần nhưng không cải thiện được chỉ số cơ thể.
Phương Thúy