Vợ chồng tôi lấy nhau đến nay được 9 năm. Chúng tôi quen nhau khi tham gia một dự án mà công ty của tôi và chồng cùng thực hiện. Tôi ấn tượng với anh bởi vẻ ngoài hiền lành, làm việc nhiệt tình, nhanh nhẹn. Sau khi yêu nhau 3 năm, chúng tôi quyết định tổ chức đám cưới.
Anh sống cùng mẹ trong một căn hộ tập thể cũ. Căn hộ này bố mẹ anh mua từ hàng chục năm trước. Nhờ thế, chúng tôi không phải đi thuê nhà mà có chỗ ở ổn định.
Vợ chồng tôi đều là nhân viên văn phòng, lương của cả hai ở mức cơ bản. Cơ quan chồng tôi thi thoảng có các dự án và cần nhân sự tăng cường. Tuy nhiên, anh không bao giờ đăng ký làm thêm, bởi anh suy nghĩ "làm 8 tiếng một ngày là quá đủ, thời gian còn lại nên dành nghỉ ngơi".
Chồng tôi có đam mê chơi cờ tướng. Cứ chiều về, anh lại nhanh nhanh chóng chóng xuống sân khu tập thể chơi cờ với các bác, các chú trong khu.
Tôi cảm thấy áp lực trước bài toán chi tiêu gia đình. (Ảnh minh họa)
Khi còn son rỗi hay lúc mới có một đứa con, tôi chưa khi nào tạo áp lực về chuyện tiền bạc với chồng. Nhưng giờ đây, vợ chồng tôi sinh thêm bé thứ hai, bé lớn học hết lớp 1.
Một tháng, tiền bỉm sữa, tiền ăn, tiền học của hai con đã hơn 5 triệu đồng. Vậy mà chồng tôi vẫn chỉ duy trì đưa cho tôi 2-3 triệu đồng mỗi tháng như mấy năm trước đây.
Anh cũng không có ý muốn tìm cách gia tăng thu nhập để đưa thêm cho vợ nuôi con hay tích lũy sau này. Càng ngày, tôi càng nhận ra, anh là túyp người an phận, không có chí tiến thủ. Mẹ chồng tôi có lương hưu. Tuy nhiên, mọi chi tiêu trong nhà chủ yếu do vợ chồng tôi chi trả.
Mấy tháng nay, nhờ có tiền bảo hiểm thai sản, tôi còn có thể lo được cho đời sống gia đình và nuôi các bé. Tuy nhiên, cứ tình hình này, khi khoản tiền này và chút tiền tích lũy hết đi, tôi không biết xoay xở thế nào.
Cả nhà 5 người, trong đó hai trẻ nhỏ có rất nhiều khoản tốn kém. Tôi co kéo thế nào thì mỗi tháng cũng không thể dưới 10 triệu đồng. Hà Nội lại là nơi đắt đỏ, mua mớ rau cũng đắt gấp đôi, gấp ba ở quê.
Nhiều lúc, tôi cảm thấy thực sự mệt mỏi khi cứ phải tính toán, căn ke từng chút một để lo cho cả gia đình, trong khi chồng cứ đủng đỉnh, hết giờ làm lại về đi chơi cờ, uống nước chè. Đã thế, tôi còn không nhận được sự thông cảm từ mẹ chồng khi bà thường để ý, căn ke từng việc trong nhà.
Khi tôi đi chợ mua đồ ăn, bà thường nâng lên hạ xuống nói món này chưa được ngon, rau chưa được tươi. Nhiều lần, tôi viện cớ bận trông con, nhờ mẹ chồng đi chợ để bà chủ động chọn đồ thì bà lại nói đau chân, không tiện đi lại.
Mỗi ngày, cả nhà tôi ăn cùng nhau 1-2 bữa. Mỗi bữa, tôi thường mua thức ăn trong khoảng 60.000-70.000 đồng cho 5 người. Vậy nhưng, mẹ chồng vẫn kêu tôi tiêu hoang, không biết đường tiết kiệm.
Vì chi phí cho mỗi bữa ăn không quá nhiều nên tôi luôn ưu tiên đi chợ dân sinh. Thực phẩm, hoa quả cũng chỉ là các loại thông thường chứ không dám mua đồ siêu thị hay hoa quả nhập khẩu.
Trước tình hình này, tôi tính sẽ gửi con đi nhà trẻ sớm còn mình đi làm, nhận cộng tác bán hàng online (trực tuyến). Tuy nhiên, đó là nỗ lực của bản thân tôi.
Về phần chồng và mẹ chồng, tôi phải làm thế nào để nhận được sự hỗ trợ, thông cảm từ cả hai? Tôi chi tiêu như thế lẽ nào là hoang, là thiếu tính toán sao?
->>Mẹ chồng đay nghiến khi tôi không thể có con và sự thật bất ngờ
Theo Dân trí