Bệnh đau mắt đỏ đang lây lan và bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh/thành trên cả nước. Hoang mang, luống cuống trước dịch bệnh, nhiều người đã "tìm cách" nhằm điều trị căn bệnh này. Và cũng từ đó, những “phương thuốc” kì dị, không có căn cứ khoa học lại được chia sẻ tràn lan trên mạng xã hội.
Cụ thể, chỉ trong 2 tháng qua đã có 32.000 cuộc thảo luận và 24.500 bài đăng chia sẻ các phương pháp phòng và điều trị đau mắt đỏ.
Trong đó, hơn 15.000 cuộc thảo luận và 7.000 bài đăng lan truyền về các phương pháp tự điều trị phản khoa học, chưa được kiểm chứng, chiếm gần 47%. Trong đó phương pháp dùng nước tiểu hay sữa mẹ để điều trị đau mắt đỏ đang được lan truyền với tốc độ chóng mặt.
Các thông tin dùng nước tiểu chữa đau mắt đỏ lan truyền trên mạng xã hội (Ảnh chụp màn hình)
Điều đáng nói là nhiều người lại khá tán đồng phương pháp này. Thậm chí, không ít tài khoản mạng xã hội còn khẳng định, nước tiểu là nước thánh.
“Nước thánh tuyệt vời từ chính cơ thể mình, chữa bách bệnh” - một tài khoản bình luận.
Do vậy, không phải đến khi dịch bệnh đau mắt đỏ bùng phát, nước tiểu mới được chia sẻ như một liệu pháp. Trước đó, có những người còn tin rằng, nước tiểu chữa được cả ung thư.
Về “liệu pháp” uống nước tiểu chữa bệnh, trước đó, TS.BS Lê Thị Thanh Nhạn, Trưởng khoa Thận, Tiết niệu, Học viện YDHCT Việt Nam cho biết, bà đã nghe chuyện uống nước tiểu chữa bệnh khoảng chục năm nay. Tuy nhiên khoa học chưa chứng minh và ghi nhận trường hợp nào chữa bệnh bằng nước tiểu.
Thành phần của nước tiểu chủ yếu là nước, urê, muối, đặc biệt vi khuẩn. Đối với người nhiễm bệnh dù nhẹ như hắt hơi, sổ mũi, viêm họng, cho đến các bệnh suy gan, suy thận… các chất cặn bã và vi khuẩn đều được lọc qua thận, bài tiết bằng đường nước tiểu.
Do vậy, khi uống lại nước tiểu này, tức là một lần nữa đưa vi khuẩn trở lại cơ thể. Một số loại vi khuẩn không chết từ quá trình đào thải đương nhiên lại được sống sót từ việc người bệnh uống vào, khiến bệnh càng nặng hơn.
Tương tự, bác sĩ Nhạn nhấn mạnh cũng không có nghiên cứu nào chỉ ra rằng dùng nước tiểu có thể chữa được đau mắt đỏ.
Đồng quan điểm, bác sĩ Hoàng Cương, Phó trưởng Ban Truyền thông, Bệnh viện Mắt Trung ương khẳng định chưa có nghiên cứu khoa học, hay bài thuốc nào chứng minh rằng nước tiểu dùng để “chữa” đau mắt đỏ.
“Đây là thông tin phi khoa học. Chưa kể, thành phần của nước tiểu là urê, muối, đặc biệt vi khuẩn. Việc dùng nước tiểu để nhỏ mắt đang viêm giác mạc cấp sẽ càng khiến bội nhiễm nặng hơn do nhiễm khuẩn", BS. Cương nói.
BS. Cương cũng khuyến cáo, người bệnh cần tránh xa các thông tin điều trị đau mắt đỏ bằng cách nhỏ sữa mẹ, hay xông, đắp lá trầu không, diếp cá…
Thông tin dùng nước tiểu để chữa đau mắt đỏ là sai lệch và không nên lan truyền rộng rãi (Ảnh minh họa)
Giải thích thêm về vấn đề này, TS. Lương y Phùng Tuấn Giang - Chủ tịch viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam cho biết, nước tiểu từ máu lọc mà ra, mà máu đi khắp cơ thể nên trong nước tiểu có đủ các chất do các cơ quan máu đã đi qua bài tiết ra nên có đồng thời những chất cặn bã của chuyển hóa. Đa phần nước tiểu người lớn đều không đảm bảo để sử dụng làm thuốc bởi không hợp vệ sinh, có hàm lượng muối cao, có thể chứa các chất chuyển hóa độc hại từ thuốc, thực phẩm, hóa chất khác.
Cho nên khi dùng nước tiểu không thể tùy tiện mà cần phải đánh giá sức khỏe, tiến triển bệnh tật của người cho nước tiểu (mà việc này còn đòi hỏi phải khám, xét nghiệm đầy đủ, còn tốn kém thêm thời gian, tiền của).
Ngoài ra, việc áp dụng nước tiểu trong điều trị bệnh còn tùy thuộc vào quan điểm và kinh nghiệm chữa trị của từng người, chỉ sử dụng nước tiểu của đồng nhi khỏe mạnh (đồng tiện) vì hệ tiêu hóa của các em thuần, miễn dịch tốt, không nhiễm tạp chất, lấy theo phương cách bỏ khúc đầu, khúc cuối, lấy khúc giữa dùng để sao tẩm thuốc (tiện chế).
Vì vậy, khẳng định thông tin dùng nước tiểu để chữa đau mắt đỏ là sai lệch và không nên lan truyền rộng rãi. Đã có những trường hợp tự ý điều trị đau mắt đỏ tại nhà dùng các phương pháp không được kiểm chứng hoặc không đi khám bác sĩ khi có biểu hiện nặng đã dẫn đến các biến chứng như tổn thương giác mạc, giảm thị lực, mù lòa…
Lương y Phùng Tuấn Giang khuyến cáo, mắt là cơ quan nhạy cảm, tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài, nên dễ bị viêm nhiễm và tổn thương, những quy định về thuốc dùng tại chỗ cho mắt cũng rất khắt khe, đảm bảo vô khuẩn. Do đó, sử dụng nước tiểu chắc chắn sẽ không đảm bảo vệ sinh để nhỏ vào mắt, điều này khiến cho mắt có thể bị nhiễm trùng nặng nề hơn.
-->> Chữa đau mắt đỏ bằng xông lá cây: Bác sĩ nói gì?Thúy Ngà