Từ sự việc hiệu trưởng ngã quỵ khi đang khai giảng: Xử lý thế nào khi có người đột quỵ?
Cụ thể, trong lúc đọc diễn văn lễ khai giảng năm học mới 2023-2024, Hiệu trưởng trường THPT Tràm Chim bất ngờ ngã quỵ. Mặc dù được thầy cô trong Trường đưa đi cấp cứu nhưng vẫn không qua khỏi.
Theo UBND huyện Tam Nông, theo chẩn đoán ban đầu, Hiệu trưởng trường THPT Tràm Chim tử vong do đột quỵ.
Cũng theo UBND huyện Tam Nông, Hiệu trưởng trường THPT Tràm Chim vừa khám sức khỏe định kỳ hồi tuần trước, kết quả sức khỏe bình thường.
Ngôi trường xảy ra vụ việc đáng tiếc vừa qua
Theo BS Nguyễn Văn Hùng, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), đột quỵ não có 2 thể là nhồi máu não và xuất huyết não.
Trong đó, nhồi máu não là một dạng của tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu bị tắc, nghẽn, gây hoại tử và chết khu vực não không được cung cấp máu, dẫn đến các chứng đột quỵ và có thể tử vong.
Xuất huyết não xảy ra khi mạch máu não bị vỡ, máu đột ngột xâm lấn vào não, làm tổn thương não.
Theo BS Hùng, có thể nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ qua quy tắc "BE FAST":
- B (Balance - Thăng bằng): Diễn tả triệu chứng khi bệnh nhân đột ngột mất thăng bằng, chóng mặt, đau đầu dữ dội và mất khả năng phối hợp vận động.
- E (Eyesight - Thị lực): Thể hiện việc bệnh nhân bị mờ mắt (giảm thị lực) hoặc mất hoàn toàn thị lực của một hoặc cả 2 mắt.
- F (Face - Khuôn mặt): Miêu tả sự biến đổi của khuôn mặt, bệnh nhân có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung (đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên) bị lệch, thể hiện rõ nhất khi bệnh nhân cười mở miệng lớn.
- A (Arm - Cánh tay): Bệnh nhân cử động khó hoặc không thể cử động tay chân, tê liệt một bên cơ thể. Cách xác nhận nhanh chóng nhất là yêu cầu bệnh nhân giơ 2 tay lên và giữ lại cùng một lúc.
- S (Speech - Giọng nói): Bệnh nhân khó nói, phát âm không rõ, nói dính chữ, nói ngọng bất thường. Bạn có thể kiểm tra bằng cách yêu cầu người nghi ngờ bị đột quỵ lặp lại một câu đơn giản bạn vừa nói.
- T (Time - Thời gian): Khi xuất hiện đột ngột các triệu chứng trên hãy nhanh chóng gọi 115 hoặc đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Khi người thân có những biểu hiện nghi đột quỵ, mọi người cần nhanh chóng gọi cấp cứu (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, theo BS Hùng, khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua.
Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não.
"Các dấu hiệu như mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua, sau đó khả năng vận động có thể sớm trở lại.
Điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não", BS Hùng phân tích.
Do đó, thời gian vàng cấp cứu đột quỵ thường giới hạn trong 3 - 4,5 giờ kể từ khi người bệnh có những dấu hiệu đột quỵ đầu tiên.
"Khi người thân có những biểu hiện nghi đột quỵ, mọi người cần nhanh chóng gọi cấp cứu, đồng thời nhận sự hướng dẫn của nhân viên y tế, về các biện pháp sơ cứu bệnh nhân tại chỗ.
Bệnh nhân được sơ cứu đúng và đưa đến bệnh viện càng sớm, càng hạn chế được những tổn thương lên não bộ", BS Hùng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng lưu ý 3 điều tuyệt đối không được làm khi bệnh nhân có dấu hiệu cảnh báo đột quỵ:
- Không tự ý cho người bệnh uống thuốc.
- Không cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì.
- Không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện.
-->> Tài xế đột quỵ khi lái xe, chuyên gia nói gì?Thúy Ngà