Bài tập thở để đời giúp sống thọ và sống khỏe ai cũng nên biết

06/10/2016 14:02
Đây là bài tập thở giúp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện sống thêm được 50 năm trong khi đã bị cắt gần hết phổi vì căn bệnh lao phổi.

1. Người sáng tạo ra phương pháp tập thở dưỡng sinh

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913 - 1997) là một nhà nghiên cứu xuất thân trong gia đình khoa bảng ở xã Sơn Hòa, huyệt Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Thân sinh ra ông là cụ Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, làm Thượng thư Bộ Lễ triều đình nhà Nguyễn.

Năm 1933, Nguyễn Khắc Viện tốt nghiệp tú tài triết học, tú tài toán học và tú tài tây, vào học trường Đại học Y khoa Hà Nội rồi sang Pháp học tiếp. Năm 1939 ông tốt nghiệp và được làm bác sĩ nội trú tại bệnh viện Trouseau - một bệnh viện lớn nhất Pari.

Tại đây, ông tiếp tục học và đỗ thêm bằng bác sĩ về ký sinh trùng và các bệnh nhiệt đới.

Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, phải nằm điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời gian đó sự phát triển về y khoa còn hạn chế, bệnh lao phổi chưa có thuốc chữa khỏi.

Trong vòng 6 năm điều trị bệnh (từ 1943 - 1948), ông phải trải qua nhiều ca phẫu thuật điều trị lao phổi gồm có 7 lần mổ, cắt bỏ 8 xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và 1/3 lá phổi bên trái.

Lúc này, dung tích thở trong phổi của ông chỉ còn 1 lít, đây là dung tích thở của một người rất yếu. Theo chẩn đoán của các bác sĩ người Pháp, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện chỉ còn sống được khoảng 2 năm nữa.

Tuy nhiên, bác sỹ Nguyễn Khắc Viện không chấp nhận nằm chờ chết. Ông đã nghiên cứu nhiều tài liệu và tìm ra phương pháp thở để tự chữa bệnh cho mình. Kết quả ông đã sống thêm được 50 năm nữa, hưởng thọ 85 tuổi.

Trong thời gian còn sống, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không những duy trì được sức khỏe tốt cho mình mà còn nhờ có sức khỏe ấy đã tích cực hoạt động, nghiên cứu và để lại rất nhiều tác phẩm trong các lĩnh vực văn học, triết học...

Bài tập thở để đời giúp sống thọ và sống khỏe ai cũng nên biết

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện

2. Bài tập thở dưỡng sinh "để đời"

Phương pháp tập thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện được đúc kết trong bài vè 12 câu rất dễ nhớ như sau:

"Thót bụng thở ra, Phình bụng thở vào, Hai vai bất động, Chân tay thả lỏng, Êm chậm sâu đều, Tập trung theo dõi, Luồng ra luồng vào, Bình thường qua mũi, Khi gấp qua mồm, Đứng ngồi hay nằm, Ở đâu cũng được, Lúc nào cũng được".

Theo GS Nguyễn Lân Dũng, bài tập thở có thể kết hợp hiệu quả nhất khi đi bộ, thích hợp cho những người cao tuổi. Đi nhanh hay chậm, ngắn hay dài là tùy thuộc vào sức khỏe mỗi người.

Trong khi đi, kết hợp với thở bụng êm dịu và sâu theo công thức: 4 bước hít vào, nhớ phình bụng ra, 2 bước ngừng thở, tiếp theo 8 bước thở ra, thót bụng lại. Việc tập thở sẽ phát huy tác dụng tốt hơn khi đi bộ ở nơi có không khí trong lành, tinh thần thư thái.

Thở 4 thì bằng nhau:

- Thì 1: Hít vào từ từ và nhẹ nhàng bằng mũi, hít sâu, êm dịu kéo dài đến mức có thể chịu được, đồng thời phình bụng ra.

Thì 2: Nín thở giữ hơi, thời gian bằng khi hít vào.

Thì 3: Thở ra từ từ, êm nhẹ và kéo dài, đồng thời bụng thót vào hết cỡ, thời gian bằng thì 1.

Thì 4: Nín thở, thời gian bằng thì 1. Lúc mới tập, người tập có thể đếm 1, 2, 3, 4, 5 ở mỗi thì. Sau tăng thời gian lên bằng cách đếm đến 7, 8, 9, 10...

Bài tập thở để đời giúp sống thọ và sống khỏe ai cũng nên biết

3. Vì sao phương pháp tập thở lại tốt cho sức khỏe?

Phương pháp thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện thực ra không phải hoàn toàn mới. Nó chỉ là một sự tổng hợp của khí công, thiền, yoga, tai chi, dưỡng sinh… của Đông phương từ ngàn xưa, được nhìn bằng sinh lý học hô hấp hiện đại của một người thầy thuốc.

Việc tập thở sở dĩ có tác dụng tốt đối với sức khỏe là do cách thở trên giúp đưa được tối đa lượng oxy hữu ích vào cơ thể và tống được tối đa lượng khí Co2 ra, giảm bớt khối không khí độc trong đáy phổi.

Làm được điều này tức là người tập đã tăng đáng kể việc chuyển hóa máu đen thành máu đỏ, tăng cường lượng oxy cho cơ thể.

Việc tập thở chủ yếu vận dụng cơ hoành để tác động đến các cơ quan khác như các bộ phận trong ngực và bụng gồm tim phổi, gan, dạ dày, ruột, các nội tạng khác.

Không chỉ tác động đến cơ quan nội tạng, quá trình thở còn tác động đến cả xương sườn, lồng ngực, cột sống, xương ức và các bộ phận cơ mềm ở ngực và ở bụng.

>>Thần dược để có được làn da trắng mịn như em bé với nha đam ngâm giấm táo

>>Vệ sinh máy giặt thế nào để tránh lây nhiễm nấm, bệnh...?

Theo soha

Bài tập thở để đời giúp sống thọ và sống khỏe ai cũng nên biết - Bí Quyết